Thứ Năm, 25 tháng 6, 2015

Dừa xiêm lùn

Cây dừa xiêm lùn
Đặc điểm:
- Cây ra trái sau 2 năm trồng, khá nhanh so với các giống dừa khác. Tuổi thọ cao. Cây khi ra trái thân cao 1-1,5m. Chiều cao tối đa lên tới 10m. Giống này không kén đất, các loại đất thịt, đất cát, đất đỏ đều trồng được. Nhưng tốt nhất là loại đất thịt phù sa có độ kali cao. Với giống dừa nên trồng gần nguồn nước.
- Bè lá dài 3-4m.
- Trái có độ lớn vừa, nhưng vỏ mỏng hơn giống dừa bung miền Tây. Nước có vị ngọt hơn, vừa đủ uống cho một người.
Cách trồng:
- Khoảng cách tối thiểu giữa các cây dừa là 5m. Giống dừa ra trái tốt ở những nơi có nguồn nước ổn định và ánh sáng đầy đủ.
- Lựa chọn cây giống. Cây giống tiêu chuẩn phải lên 3 lá trở lên. Tránh dùng cây giống quá to. Bị cắt rễ nhiều. Ảnh hưởng tới phát triển sau này.
- Khi đặt cây giống không được chôn quá sâu cũng không nên cạn quá. Đất đắp vừa đủ trái.
- Hố trồng 50x50x50cm. Dưới hố bón 10-15kg phân chuồng đã qua xử lý + 200 lân + 50 gram Basudin + 0,5 vôi để diệt vi sinh và tăng độ ph cho đất.
Phòng trừ sâu bệnh:
"Nguồn Kỹ sư Nguyễn Văn Dũng
Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Bến Tre
Từ dost-bentre.gov.vn"
1- Bọ dừa:
* Gây hại:
- Thành trùng và ấu trùng đều gây hại trên lá dừa non chưa bung ra bằng cách cạp biểu bì trên mặt lá theo từng hàng song song với gân chính, những vết cắn phá thường hẹp có màu nâu, sau đó khô, héo, cong queo, giảm khả năng quang hợp. Nếu trên cây có từ 8 lá trở lên bị hại thì sẽ làm giảm năng suất, nặng hơn có thể làm cây chết.
- Phòng trị:
+ Cắt và đốt bỏ các đọt non bị hại nặng để tránh lây lan cây khác.
+ Sử dụng ong ký sinh Tetretichus Brontispae, nấm ký sinh Metrhizium anisopliae.
+ Sử dụng thuốc hóa học như: Fastac, Sumicidine, Actara, … liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì, phun đều lên bó đọt non của cây. Tuy nhiên, hiện nay ở Bến Tre sử dụng phương pháp sinh học là hiệu quả và kinh tế nhất (thả ong ký sinh).

2- Kiến vương:

+ Gây hại:
Chỉ có thành trùng phá hại dừa, chúng đục phá phần mô mềm ở cuối bẹ lá, cắn phá đọt non, hoa dừa lúc chưa trổ làm cho lá bị rách, hoa bị hư, đỉnh sinh trưởng phát triển cong queo, nếu chúng ăn hết đỉnh sinh trưởng cây sẽ chết. Các vết đục của kiến vương là cửa ngõ cho các loại sâu bệnh khác tấn công như bệnh thối đọt dừa hay để đuông dừa đẻ trúng gây hại. Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Thực nghiệm dừa Đồng Gò, trong tháng thời điểm gây hại nặng nhất của kiến vương là vào những đêm trăng sáng và trên những vườn dừa không có trồng xen.
+ Phòng trị:
- Khi cây dừa khoảng 2 năm tuổi trở lên là thời điểm thích hợp nhất cho kiến vương tấn công. Như vậy, vào giai đoạn này cần phải thăm vườn thường xuyên để phát hiện vết đục của kiến vương, sau đó dùng móc sắt bắt, cuối cùng dùng đất sét trám bít lổ đục để phòng ngừa các loại khác như nấm bệnh hay đuông xâm nhập.
Thành trùng và ấu trùng của kiến vương.
- Không để rơm, rạ mục xung quanh vườn vì đây là môi trường tốt để kiến vương đẻ trứng và phát triển.
- Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, để hạn chế việc gây hại của kiến vương ở các vườn dừa trẻ nên trồng xen các cây ngắn ngày, cây họ đậu, cây ca cao, …nhằm hạn chế tầm bay của kiếng vương, giảm khả năng gây hại của chúng rất lớn.
- Sử dụng phương pháp hóa học để phòng trị kiến vương tỏ ra hiệu quả không cao vì đây là loài côn trùng có thể di chuyển rất xa nên rải thuốc không hiệu quả; vì vậy nên áp dụng kỹ thuật canh tác là hiệu quả nhất.

3- Đuông dừa:

+ Gây hại: Ngược với kiến vương, đuông dừa chỉ gây hại ở giai đoạn ấu trùng. Thành trùng đẻ trứng vào các lổ đục của kiến vương, các vết thương trên cây và đặc biệt hiện nay chúng còn đẻ trứng dưới gốc dừa tấn công phần gốc. Quá trình gây hại của đuông dừa rất nguy hiểm vì rất khó phát hiện, khi phát hiện được thì khó có khả năng để cứu cây khỏi khỏi chết.
Thành trùng và ấu trùng của đuông dừa.
+ Phòng trị: đối với đuông, phòng trị cũng như kiến vương là phải thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm khi ấu trung còn ở tuổi 1, tuổi 2 dùng dao hoạc đục sắt khoét lổ đục để bắt ấu trùng, sau đó dùng thuốc hạt như Basudin 3G + nước vôi tươi lên lổ đã khoét nhằm phòng ngừa các loại nấm bệnh, côn trùng khác tấn công. Sử dụng biện pháp hóa học hiệu quả không cao, chỉ nên áp dụng kỹ thuất canh tác để phòng là hiệu quả nhất như: hạn chế tối đa việc gây vết thương trên thân dừa hoặc sự gây hại của kiến vương, tăng cường xen canh hợp lý cũng là điều kiện tốt để làm giảm khả năng gây hại của đuông.
4- Bọ xít trái Amblypelta sp:
+ Gây hại: đây là đối gây ra hiện tương rụng trái non và dừa mủ, cả thành trùng và ấu trung đều chích hút ở nụ hoa, trái non và tiết ra độc tố vào vết chích, nếu chích vào giai đoạn trái vừa thụ phấn (còn nhỏ) sẽ làm cho trái non rụng đi, nếu chích vào giai đoạn trái lớn hơn (khoảng 1 tháng tuổi trở lên) thì trái có khả năng không rụng mà vùng mô xung quanh vết chích sẽ bị hoại thư sau này thành trái dừa bị sẹo nhăn nheo hay chảy mủ ra ngoài mà nông dân gọi là dừa mủ.
Dừa mủ do bọ xít gây hại.
+ Phòng trị: vệ sinh vườn cho thông thoáng, trồng đúng khoảng cách, không trồng quá dày hiệu quả cao nhất là nên nuôi kiến vàng trong vườn dừa vì đây là thiên địch có thể tấn công bọ xít.

5- Chuột dừa:

+ Gây hại: chuột là loài gặm nhắm có đặc tính rất đặc biệt hơn các loài động vật khác, răng cửa của chúng cứ phát triển dài mãi mãi mà không bao giờ dùng lại, vì thế chúng cắn phá dừa nhằm mục đích để răng mòn không mọc ra dài được, thứ hai là để ăn cơm dừa và uống nước. Trái dừa bị chuột khoét sẽ rụng đi khi đã bị chúng cắn thủng gáo, ở Đồng bằng sông Cửu long, vào thời điểm triều cường ngoài đồng nước ngập sâu, chuột bắt đầu vào các vườn dừa cắn phá làm thiệt hại đến năng suất khá lớn.
Dừa bị chuột khoét.
+ Phòng trị: thông thường ở Bến tre người dân trồng dừa vào mùa nước lũ là dọn vệ sinh vườn và cây dừa, thăm vườn thường xuyên khi phát hiện trên cây có ổ chuột tiến hành săn bắt hay làm bẩy để diệt chuột nhưng cần phải thay đổi mồi thương xuyên mới có hiệu quả. Có một phương pháp rất cổ nhưng lại rất hiệu quả đối với các vườn dừa trồng đúng khoảng cách, bảo đảm cây không giao tán nhau bằng cách là bọc thiếc quanh thân cây làm cho chuột không leo lên cây được vì nơi bọc thiết quá trơn, chuột không thể bám được để leo lên. Như vậy sẽ bảo vệ được các trái dừa ở trên cây.

6- Bệnh đốm lá:

+ Triệu chứng: trên lá mầm bệnh xuất hiện từ chóp lá trở vào, đầu tiên là những đốm nhỏ màu nâu vàng hình bầu dục, sau đó đốm bệnh lớn dần có màu nâu, tâm vết bệnh màu xám tro, nhiều vết liên kết lại làm cho lá bị cháy. Bệnh thường xuất hiện nhiều ở giai đoạn vườn ươm và những vườn trồng dày.
Triệu chứng bệnh đốm lá dừa.
+ Tác nhân: do nấm Pestalozziap palmarum gây ra.
+ Phòng trị:
- Bố trí khoảng cách trồng hợp lý.
- Bón phân đầy đủ và cân đối nhất là kali.
- Nếu bệnh nặng nên phun thuốc hóa học như: Ridomyl, Novral,… liều lượng theo khuyến cáo trên bao bì.

7- Bệnh thối đọt:

+ Triệu chứng: đầu tiên các lá non trên đọt có dấu hiệu mất màu xanh bình thường, sau đó vàng, cuối cùng khô và trên đọt ta nghe có mùi hôi, thối; các lá già phía dưới cũng dần dần vàng, khô và rụng đi; cây chết.
+ Tác nhân: do nấm Phytopthora Palmivora Bult gây ra
+ Phòng trị: thăm vườn thường xuyên để sớm phát hiện cây bị nhiễm bệnh, vì từ khi nấm xâm nhập vào đọt cây đến lúc chết đọt thời gian từ 3-5 tháng. như vậy khi phát hiện cây bị nhiễm bệnh nhẹ, tiến hành phun ngay lên đọt bằng thuốc Ridomyl liều lượng khoảng 30g/bình 8 lít và phun liên tục 3 lần, mỗi lần cách nhau 3 ngày. Nếu trong vườn có cây bị bệnh chết ta nên gom tất cả các phần bệnh đem đốt sạch để tránh nấm bệnh lây qua các cây dừa khác.

8- Bệnh nứt rụng trái non:

+ Nguyên nhân:
- Đất bị nhiễm phèn, mặn làm hư bộ rễ của cây ảnh hưởng đến quá trình nuôi trái, như vậy trái sẽ rụng trong suốt mùa khô hay sau những cơn mưa đầu mùa.
- Trái rụng trong mùa mưa dầm và thương bị nứt trái có thể là do đặc tính di truyền của cây. Thông thường đây là những cây có trái to, vỏ mỏng, bón quá thừa đạm, thiếu kali, rễ phát triển mạnh nên cây hút nhiều nước, từ đó dễ làm cho trái bị nứt và rụng, có thể rụng cả quày hay chỉ rụng 2/3 quày còn lại 1/3 quày dính trên cây cho đến thu hoạch.
- Rụng trái do nấm: khi trái rụng ta thấy lá đài và nơi tiếp giáp giữa cuống trái với lá đài (mầu dừa) có màu nâu đen, thối mềm.
- Rụng do vi khuẩn: khi trái rụng quan sát thấy trên mầu trái dừa có mủ và có một số lá đài vẫn còn xanh.
- Rụng do di truyền: do chọn giống trên cây dừa có bệnh nứt rụng trái non để trồng.
+ Phòng trị: dừa bị nứt rụng trái non do rất nhiều nguyên nhân nên phương pháp phòng trị ta cần áp dụng biện pháp bao dây bằng cách là ở những vùng đất phèn mặn hàng năm ta nên bón cho mỗi gốc từ 3-5kg vôi bột; song song đó, ở những vùng đất thông thường khác, nếu cây bị nứt rụng trái non ta nên áp dụng biện pháp phòng trị sau: điều chỉnh lại công thức phân bón tức là giảm urê, tăng kali; vào mùa nước lũ hay mưa dầm dùng leng cắt bớt rễ cây để giảm khả năng hút nước của rễ; trên thân đục một lổ có hình tam giác đều, cạnh khoảng 10 cm, đỉnh quay ngược xuống gốc, sâu khoảng 15 cm, sau đó dùng muối ăn (NaCl) trét lên vết đục nhằm giảm lượng nước đưa lên cây và cung cấp một phần clo cho cây. Nếu phát hiện trái rụng có những vết do vi khuẩn hay nấm bệnh tấn công thì khi cây nở hoa tiến hành phun các loại thuốc trừ nấm trực tiếp lên buồng hoa lúc hoa chưa nở như: Mancozeb, Ridomyl liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì; hoặc các loại thuốc trừ vi khuẩn như: Đồng đỏ hay Starner liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì.


Ảnh mẫu cây dừa xiêm lùn. Giá: 60.000/Cây. Ảnh chụp 31/8/2017
Giá sĩ vui lòng liên hệ trực tiếp

Các bài liên quan




0 nhận xét:

Đăng nhận xét